Iraq chìm trong khói lửa, bom đạn
Làn sóng tấn công mãnh liệt của phiến quân ở Iraq khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, khiến Tổng thống Obama Mỹ phải cho phép không kích vào các mục tiêu ở miền bắc Iraq.
Một phụ nữ ở Baghdad nhìn hiện trường vụ nổ bom tấn công ở quận Ur. Hàng chục người thiệt mạng trong những vụ tấn công bằng xe chở bom tuần này ở khu vực người Shiite tại Baghdad. Thủ tướng Iraq Nouri Al Maliki, một người Hồi giáo dòng Shiite, lên nắm quyền hồi năm 2006 và đã tước bỏ chức vụ của rất nhiều chính trị gia Hồi giáo dòng Sunni, tạo ra bất đồng mang tính sắc tộc lớn tại Iraq. Ảnh: Reuters
Peshmerga (lực lượng an ninh người Kurd) tham gia tăng cường triển khai quân sự chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Makhmur, vùng ngoại ô tỉnh biên giới Nineveh, phía bắc Iraq. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan từng thuộc về Al Qaeda đã đánh chiếm được gần hết miền bắc Iraq hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
Xe tăng chở chiến binh người Kurd trên tiền tuyến gần một trạm kiểm soát ở phía tây thủ phủ vùng tự trị người Kurd, miền bắc Iraq. Nhiều người chỉ trích rằng chính chính quyền Al Maliki và cách thức bổ nhiệm người trong hàng ngũ quân đội là nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của quân đội Iraq sau khi quân Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2011 Ảnh: AFP
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau hai vụ nổ do xe chở bom tấn công ở Kirkuk hôm 7/8, gần nơi trú ẩn của người Hồi giáo dòng Shiite. Ảnh: AP
Tín đồ Kito giáo người Iraq chạy trốn khỏi bạo lực ở làng Qara Qosh, phía bắc Iraq, đang nghỉ ngơi và cầu nguyện tại nhà thờ thánh Joseph ở thành phố Erbil hôm 7/8. Ảnh: AFP
Người dân tộc thiểu số dòng Yazidi bị phiến quân IS buộc phải cải đạo nếu không sẽ bị giết chết. Hơn 500 người Yazidi dã bị giết hại tuần qua và có khoảng 70 trẻ em chết vì đói khát khi trốn lên núi ở tỉnh Dohuk, cực bắc Iraq. Trong ảnh là nơi trú ẩn của những người Yazidi chạy trốn. Ảnh: Reuters
Hàng trăm nghìn dân thường chạy trốn khỏi bạo lực ở Nineveh tới tỉnh Sulaimaniya, khu vực người Kurd kiểm soát ở miền đông Iraq hôm qua. Ảnh: Reuters
Lực lượng an ninh Iraq và tình nguyện viên cố gắng bảo vệ một khu vực phía bắc thành phố Baghdad, trước cuộc tấn công của Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS nhằm đánh chiếm thành phố hôm 6/8. Ảnh: Reuters
Người Kurd tìm chỗ nấp khi máy bay Mỹ không kích vào mục tiêu là nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan bên ngoài thành phố Erbil hôm qua. Ảnh: AP
Đây là cuộc tấn công đầu tiên từ khi Mỹ tham gia hoạt động quân sự ở Iraq và rút quân về nước năm 2011 nhằm ngăn chặn hành vi cực đoan của nhóm người Sunni gần thành phố Erbil của người Kurd. Bên trái ảnh là vị trí Mỹ viện trợ thực phẩm và nước uống tới khu vực hàng nghìn dân thường đang mắc kẹt ở vùng Sinjar. Đồ họa: WSJ
Trong ảnh là chiến đấu cơ F/A-18 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS George Bush. Quân đội Mỹ hôm qua phát động một loạt cuộc không kích ở Iraq sau khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama phê chuẩn quyết định tấn công nhóm phiến quân Hồi giáo IS. Ảnh: Reuters
Khói bốc lên từ một trạm kiểm soát ở ngoại ô thành phố Arbil, phía bắc Iraq. Hai máy bay F/A-18 thả những quả bom laser dẫn đường nặng 225 kg xuống một khẩu pháo di động gần Arbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd. Ảnh:Xinhua
Mỹ cho phép không kích Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông đã cho phép không kích các phiến quân Hồi giáo ở Iraq để giải cứu những người thiểu số đang bị đe dọa và ngăn chặn nguy cơ diệt chủng ở quốc gia này.
Tổng thống Obama phát biểu về cứu trợ nhân đạo Iraq tại Nhà Trắng hôm nay. Ảnh:Reuters |
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm nay, Obama cho hay ông đã bắt đầu các hoạt động nhằm hỗ trợ hàng nghìn người Iraq thuộc cộng đồng tôn giáo thiểu số Yazidi đang bị mắc kẹt trên núi. Những người này phải bỏ nhà cửa để chạy trốn các lực lượng phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đánh chiếm phía bắc Iraq suốt những tuần qua.
"Khi chúng ta gặp tình huống như thế trên ngọn núi đó, với những người vô tội đang đối mặt với bạo lực ở một quy mô khủng khiếp, khi chúng ta có nhiệm vụ giúp đỡ theo đề nghị từ chính quyền Iraq trong trường hợp này, và khi chúng ta có những khả năng độc nhất để ngăn chặn một cuộc thảm sát, thì tôi tin nước Mỹ không thể nhắm mắt làm ngơ", Reuters dẫn lời ông nói.
Lãnh đạo Nhà Trắng cho hay Mỹ có thể ngăn chặn "nạn diệt chủng" một cách thận trọng và có trách nhiệm. Ông đã cho phép quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống lại các phiến quân nếu lực lượng này tiến về thủ phủ Arbil của khu tự trị người Kurd hoặc đe dọa các công dân Mỹ tại quốc gia này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thận trọng và hành động nếu lực lượng khủng bố này đe dọa các quân nhân hay cơ sở của chúng tôi ở bất cứ đâu trên Iraq, trong đó có lãnh sự quán ở Arbil và đại sứ quán ở Baghdad", ông nói thêm. Tuy nhiên, Obama khẳng định ông sẽ không triển khai bộ binh và không có ý định đưa quân đội Mỹ sa vào một cuộc chiến tranh nữa tại đây.
Những người thuộc cộng đồng Yazidi bỏ nhà cửa, chạy trốn sự đe dọa của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: Reuters |
Những cuộc không kích trên sẽ là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ tại Iraq kể từ khi Washington chấm dứt cuộc chiến dài 8 năm và rút quân khỏi đây năm 2011. Đầu năm nay, Mỹ đã gửi cử một nhóm cố vấn quân sự đến trợ giúp chính phủ Iraq đối phó với mối đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo. Washington cũng vừa hoàn thành việc thả 72 túi thực phẩm và nước uống xuống cho nhóm người bị mắc kẹt.
Khoảng 40.000 người Yazidi đang phải lánh nạn trên núi dưới cái nắng oi bức, trong tình trạng không thức ăn và nước uống. Giới chức Iraq cho biết hơn 500 người Yazidi đã bị IS sát hại trong tuần qua và khoảng 70 trẻ em đã chết vì đói khát trên núi.
Baghdad đã điều trực thăng cứu trợ lương thực cho những người này nhưng số lượng vẫn rất hạn chế.
Mỹ không kích lần hai nhằm vào phiến quân ở Iraq
Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ hôm qua mở đợt không kích thứ hai tấn công lực lượng Hồi giáo cực đoan ở miền bắc Iraq, phá hủy một đoàn xe và tiêu diệt một nhóm pháo binh.
Khói bốc lên từ khu vực chiến đấu cơ Mỹ ném bom trong lần không kích đầu tiên. Ảnh: AP. |
"Quân đội Mỹ hôm nay tiếp tục tấn công Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIL) ở gần Arbil, thực hiện thêm hai đợt không kích để giúp bảo vệ thành phố, nơi quân nhân Mỹ đang hỗ trợ chính phủ Iraq", AFP dẫn lời ông John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói.
Khoảng sau 14h00 GMT, các máy bay không người lái của Mỹ phá hủy một trận địa súng cối và tiêu diệu một nhóm phiến quân. Hơn một giờ sau đó, 4 chiến đấu cơ F/A-18 thả 8 quả bom laser dẫn đường tiêu diệt một đoàn 7 xe của ISIL. Đợt không kích hôm qua còn là lần đầu tiên Mỹ sử dụng máy bay không người lái.
Trước đó, trong đợt không kích đầu tiên, hai máy bay F/A-18 thả những quả bom laser dẫn đường nặng 225 kg xuống một trận địa pháo gần Arbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd. Phi cơ quân sự Mỹ cũng thả đồ ăn cùng nước uống cho những người thiểu số Yazidi bị kẹt trên núi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 7/8 tuyên bố ông đã cho phép không kích phiến quân Hồi giáo ở Iraq để giải cứu những người thiểu số đang bị đe dọa và ngăn chặn nguy cơ diệt chủng ở quốc gia này. Ông Obama cũng thề hành động nếu lực lượng khủng bố đe dọa quân nhân hay cơ sở Mỹ ở Iraq, nhưng khẳng định sẽ không triển khai bộ binh và không có ý định đưa quân đội Mỹ sa vào một cuộc chiến tranh nữa tại đây.
Các quan chức Mỹ hy vọng cuộc không kích sẽ giúp Washington có thêm thời gian để tái vũ trang cho lực lượng người Kurd đang phải đối mặt với những đợt tấn công của phiến quân Hồi giáo Sunni. Ngoài ra, động thái trên còn giúp quân đội Iraq tập hợp lại sau khi bị chia tách ở phía bắc trong cuộc tấn công chớp nhoáng của phiến quân Hồi giáo hồi tháng 6.
Chiến dịch không kích còn là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ tại Iraq kể từ khi Washington chấm dứt cuộc chiến dài 8 năm và rút quân khỏi đây năm 2011.
Video Mỹ không kích phiến quân Hồi giáo ở Iraq
Như Tâm (Video: Reuters)
Chiến đấu cơ Mỹ ném bom phiến quân Iraq
Hai chiến đấu cơ F/A -18 hôm nay thả bom xuống vị trí của phe cực đoan Hồi giáo ở miền bắc Iraq, sau khi đạn pháo nã gần các binh sĩ Mỹ.
Vào lúc 13h45 (theo giờ địa phương), hai máy bay F/A-18 thả những quả bom laser dẫn đường nặng 225 kg xuống một khẩu pháo di động gần Arbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd, AFP dẫn lời ông John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc vừa cho biết. Mỹ ném bom vị trí này sau khi các chiến binh Hồi giáo nã pháo vào lực lượng người Kurd đang bảo vệ Arbil, nơi lính Mỹ đang đóng quân.
Theo các quan chức quân sự Mỹ, máy bay xuất kích từ tàu sân bay Mỹ USS George H.W. Bush. Lầu Năm Góc hồi tháng 6 triển khai con tàu này đến vùng Vịnh để chuẩn bị cho bất cứ hành động quân sự nào có thể xảy ra ở Iraq.
"Như tổng thống đã nói rõ, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục có hành động trực tiếp chống lại ISIL khi chúng đe dọa các binh sĩ và cơ sở của chúng tôi", ông Kirby nói. Mỹ có một tòa lãnh sự và một trung tâm điều hành quân sự chung ở Arbil. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIL/ISIS) hiện đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một chiếc F/A-18 thả bom điếc. Ảnh minh họa: Wikipedia. |
Ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông đã cho phép không kích phiến quân Hồi giáo ở Iraq để giải cứu những người thiểu số đang bị đe dọa và ngăn chặn nguy cơ diệt chủng ở quốc gia này. Ông Obama cũng thề hành động nếu lực lượng khủng bố đe dọa quân nhân hay cơ sở Mỹ ở Iraq, nhưng khẳng định sẽ không triển khai bộ binh và không có ý định đưa quân đội Mỹ sa vào một cuộc chiến tranh nữa tại đây.
Mỹ trước đó cũng thả nước và 8.000 gói đồ ăn cho những người thiểu số Yazidi bị kẹt trên núi. Những người này lên núi trú ẩn sau khi phiến quân đòi họ cải đạo nếu không muốn bị giết. Giới chức Iraq cho biết hơn 500 người Yazidi đã bị IS sát hại trong tuần qua và khoảng 70 trẻ em đã chết vì đói khát trên núi.
Ông Babaker Zebari, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iraq, ca ngợi vụ ném bom, cho rằng trận càn quét sẽ kéo theo "những thay đổi lớn trên mặt đất".
Vụ ném bom hôm nay là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ tại Iraq kể từ khi Washington chấm dứt cuộc chiến dài 8 năm và rút quân khỏi đây năm 2011.
Trọng
Nhật ký trong tâm dịch Ebola của một y tá
Monia Sayah sẽ trở lại Tây Phi để chiến đấu với bệnh dịch, bất chấp những thách thức và nguy hiểm đang chờ đợi cô phía trước.
Y tá Monia Sayah (phải) chụp ảnh cùng một bệnh nhân đã bình phục cùng một giám sát viên tại trạm của Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Guinea. Ảnh: CBS News. |
Khi y tá Monia Sayah ở Tổ chức Bác sĩ không biên giới đến Guinea lần đầu tiên vào tháng 3, cô không ngờ rằng mình sẽ chứng kiến dịch Ebola bùng phát với mức độ tồi tệ nhất trong lịch sử. Tổ chức Y tế thế giới hôm 6/8 cho biết tổng số người chết ở Tây Phi đã tăng lên 932 người. Tại Guinea, những ca nhiễm bệnh được thông báo từ hồi tháng 3 và hiện nơi đây có 363 người tử vong.
"Nỗi sợ hãi rất rõ ràng. Mọi người sợ vì họ không thể biết được liệu Ebola có ghé thăm gia đình hay ngôi làng của mình không", CBS News dẫn lời Sayah sau khi y tá này trở về từ chuyến công tác mới nhất của mình.
Sayah cho biết, vì nỗi sợ hãi ấy mà nhiều người mắc bệnh chọn cách che giấu tình trạng của mình và thường không tới các trung tâm y tế chữa trị cho tới khi quá muộn. Trong trường hợp đó, Sayah và các đồng nghiệp thường không thể giúp gì nhiều cho họ ngoài việc truyền dịch và cấp thuốc kháng sinh.
Mối lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên y tế đang có mặt tại nơi virus Ebola hoành hành đang tăng lên sau khi một bác sĩ hàng đầu tử vong ở Sierra Leon tuần trước. Một y tá người Nigeria điều trị cho bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh ở quốc gia này cũng chết vì virus Ebola. Hai chuyên gia y tế người Mỹ nhiễm Ebola ở Liberia vẫn đang giành giật sự sống tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.
Nhưng với Sayah, cô nói mình không sợ dù đã ở Guinea tổng cộng 11 tuần. Cô và các bạn đồng nghiệp tuân thủ những biện pháp phòng ngừa nghiêm khắc nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm virus. Trước khi vào khu vực có nguy cơ cao, họ mặc bộ quần áo bảo hộ kín từ đầu tới chân và đeo cả găng tay lẫn kính bảo hộ. "Bạn phải tuân theo những qui tắc, tuy nhiên những tai nạn vẫn có thể xảy ra", cô nói.
Sayah phải hạn chế thời gian cô tới khu vực có đông người nhiễm. Trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức, kín bưng, kiệt sức và mất nước là những mối quan tâm nghiêm túc. "Bạn có nguy cơ bị ngất rồi ngã xuống đất. Bạn không muốn mình ngã ở một khu vực có nguy cơ cao. Có lẽ bạn sẽ nhấc kính lên và mắt bạn sẽ bị nhiễm", Sayah cho hay.
Tiếp xúc gần với những bệnh nhân cận kề với cái chết, Sayah nhiều lần chứng kiến họ ra đi trong đơn độc. "Tôi cảm thấy thực sự khó khăn khi biết họ chết trong cô đơn, không ai nắm tay và động viên", Sayah miêu tả nỗi đau đớn khi người bệnh qua đời.
Theo Sayah, cuối tháng 5, cộng đồng y học nghĩ đã có thể khống chế được virus. Tuy nhiên không lâu sau khi Sayah rời Guinea, một nhóm bệnh nhân nhiễm Ebola lại được phát hiện ở một ngôi làng khác. Virus chết người này đang lan truyền rất nhanh.
Sayah cùng các đồng nghiệp mặc quần áo bảo hộ tới điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở Guinea. Ảnh: CBS News. |
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự lây lan chóng mặt này. Virus Ebola có thời kỳ ủ bệnh lên tới 21 ngày, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Những nghi thức mai táng truyền thống ở nơi người nhà bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người bệnh cũng đóng vai trò trong việc truyền Ebola.
Sayah nhận ra rằng nhiều người dân không tin hệ thống chăm sóc sức khỏe và các tình nguyện viên nước ngoài. "Một số người nói rằng chúng tôi đã mang Ebola tới chỗ họ. Thật khó để kiềm chế được dịch khi mà người dân không hợp tác", Sayah nói.
Không ít bệnh nhân mắc bệnh đã bỏ trốn khỏi nơi điều trị và nhiều người không chịu cách ly, cách quan trọng nhất để kiểm soát virus.
Trong thời gian nghỉ sau chuyến công tác, Sayah vẫn giữ liên lạc với các đồng nghiệp đang ở vùng có dịch và hy vọng những tin tức tốt lành. Mới đây, một trong những bệnh nhân cô từng điều trị đã được xuất viện. Tuy nhiên, diễn biến của dịch vẫn kinh khủng và Sayah hy vọng trông thấy nhiều phản hồi tích cực hơn từ cộng đồng quốc tế.
Mặc thách thức và nguy hiểm, Sayah cho biết cô sẽ trở lại Tây Phi để chiến đấu với dịch bệnh. "Khi ở đó, bạn sẽ thấy cần phải làm gì và không có câu hỏi kiểu như mình sẽ về hay ở lại?", Sayah chia sẻ.
Cuộc chiến sinh tử với Ebola ở một khu ổ chuột
Chỉ một vài ngôi nhà ở thị trấn New Kru, Liberia, có chữ thập màu xanh, dấu hiệu cho thấy chúng đã được kiểm dịch y tế, trong khi người dân ở vô số những căn lều lụp xụp còn lại vẫn tin vào Chúa và những bùa phép để chống lại dịch bệnh Ebola.
Các nhân viên y tế di chuyển thi thể một nạn nhân nhiễm Ebola ở Monrovia, Liberia. Ảnh: EPA |
Nếu có nơi nào để đại dịch Ebola bùng phát thì đó chính là thị trấn New Kru. Khu ổ chuột ngổn ngang nằm ở ngoại ô thủ đô Monrovia, nơi những dấu vết từ sự tàn phá của chiến tranh vẫn còn hằn sâu. Đây là nơi sinh sống của 50.000 người dân nhưng không hề có nhà vệ sinh, bồn rửa hay phòng tắm.
Cống nước thải chảy thẳng qua giữa những túp lều và vào thời gian cao điểm của mùa mưa như hiện nay, những cơn mưa nhiệt đới biến nơi này thành một cái ổ khổng lồ, ẩm ướt và màu mỡ cho các loại vi trùng gây bệnh.
Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi các đội y tế xuất hiện tại đây sau khi nhiều người địa phương tử vong vì dịch Ebola. Họ đánh dấu những chữ thập màu xanh lên những ngôi lều quanh thị trấn. Dấu hiệu này để xác định một số ít hộ gia đình đã được các nhân viên y tế kiểm tra và tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch.
Đến nay chỉ có khoảng 500 ngôi nhà được đánh dấu và bản thân các nhân viên y tế lại bị cáo buộc là mầm mống gieo rắc bệnh tật trong thị trấn New Kru.
"Đây là một khu dân cư rất nghèo, điều kiện thiếu thốn và người dân không được giáo dục tốt về các quy tắc vệ sinh", Tamba Bundor nói khi lái xe qua những con đường cát ướt át. Ông là lãnh đạo của một nhóm tình nguyện viên nhiệt huyết thuộc tổ chức y tế từ thiện địa phương Dịch vụ Phát triển Cộng đồng, một đối tác của UNICEF.
"Đây là nơi các nạn nhân đầu tiên của Ebola ở Monrovia tử vong, và hầu hết mọi người nhiễm bệnh là vì họ không tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch", ông nói tiếp.
Gần 1.000 người đã tử vong vì nhiễm Ebola trên khắp Tây Phi.
Đại dịch xuất phát từ các khu vực rừng núi hẻo lánh, nơi những con dơi ăn quả thông truyền bệnh đi. Khi lan đến các khu đô thị ven biển, dịch Ebola đã bùng phát nhanh chóng đến mức các quan chức y tế không kịp trở tay.
Khi một vài ca nhiễm Ebola đầu tiên xuất hiện ở hạt Lofa, phía bắc Liberia, hồi tháng 3, giới chức vẫn nghĩ rằng họ đã khống chế được dịch bệnh này. Tuy nhiên, đến tháng 6, một người dân ở New Kru rồi những người liên tiếp sau đó tử vong.
Theo tiến sĩ Bernice Dahn, quan y tế cấp cao của Liberia, ba trong số các nạn nhân này qua đời khi đang ở trong một nhà thờ địa phương. Điều này khiến nhiều người tin rằng dịch bệnh là một lời nguyền có thể hóa giải thông qua cầu nguyện và bùa phép.
"Chúng tôi phải ngăn chặn việc để những người nghi nhiễm Ebola trong các nhà thờ", bà cảnh báo. "Các nhà thờ không phải là bệnh viện".
Tuy nhiên, cách đây hai tuần, một trong những cơ sở y tế chính ở địa phương từng bị người dân ném đá sau khi một phụ nữ nghi nhiễm Ebola tử vong. Có tin đồn trên khắp cả nước rằng chính các nhân viên y tế đã lây lan mầm bệnh. Hiện bệnh viện này đã phải đóng cửa tạm thời do lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên.
Ông Bundor và các đồng nghiệp cũng bị tấn công khi cố gắng tiếp cận ngôi nhà của một gia đình có người tử vong ở New Kru. Người thân của nạn nhân khăng khăng rằng họ chết vì lời nguyền. Ở New Kru, nguyên nhân này ít bị xã hội kỳ thị hơn là việc nhiễm một dịch bệnh như Ebola.
"Một đám đông tụ tập lại và một số người cáo buộc các nhân viên y tế chúng tôi lây lan bệnh tật. Họ thậm chí chạm vào một phóng viên địa phương và nói rằng 'nếu các anh nghĩ chúng tôi gây ra nó, sau đó các anh đến đây, thì chúng tôi sẽ làm các anh lây nhiễm' ", Anthony Worpor, một thành viên trong nhóm tình nguyện kể khi đang mặc trên người chiếc áo có dòng chữ "Hãy rửa tay trước khi ăn để bảo vệ tính mạng".
Một tình nguyện viên đang giáo dục cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh Ebola ở Monrovia, Liberia. Ảnh: Reuters |
Dù chương trình giáo dục y tế của ông Bundor đã đạt được một số thành công, ước tính vẫn còn khoảng 40% người dân New Kru phủ nhận nguy cơ của Ebola và sự cần thiết của các biện pháp y tế để phòng tránh dịch này.
Một số người xem ông Bundor như một nhà thuyết giáo đạo Kito, lắng nghe một cách lịch sự những cảnh báo của ông nhưng lại không thực hiện chúng. Ví dụ, tại quán rượu Alan's Bar, áp phích cảnh báo về sự nguy hiểm của Ebola đã được dán ở ngay cửa trước, trong đó có khuyến cáo tránh tụ tập đông người, nhưng các nhóm người bên trong vẫn say sưa chè chén, nghe nhạc disco châu Phi mà chẳng mảy may quan tâm.
Chủ quán là Alan Tokba, nói rằng "quán cấm khách khứa nhảy nhót" và yêu cầu họ họ rửa tay khi đến, nhưng ông Bundor thừa nhận rằng những biện pháp này vẫn chưa thỏa đáng.
Ông cũng không hài lòng với những nỗ lực của người phụ nữ đã có ba con Tina Teeh, 26 tuổi. Nhà của cô đã được đánh dấu thập nhưng xô đựng nước chứa clo mà cô dùng để rửa tay cho các con lại không có gáo riêng để múc nước.
"Tôi không có tiền để mua gáo", cô nói.
"Nhưng nếu cô nhiễm bệnh thì sao?", ông Bundor hỏi lại. "Khi đó cô thậm chí còn không đủ tiền trả viện phí".
Một người mẹ khác tuyên bố đã "nhìn thấy ánh sáng" là Julie Life, 30 tuổi. Cô thừa nhận từng nghi ngờ rằng chính ông Bundor đã mang Ebola đến khi thăm nhà cô lần đầu cách đây vài ngày. Tuy nhiên sau đó, Life cho hay cô đã thay đổi suy nghĩ khi xem một loại virus gây chết người trong bộ phim Nhiệm vụ Bất khả thi II.
Với ông Bundor và các đồng nghiệp đang vất vả và kiên trì từng bước để đẩy lùi dịch bệnh Ebola ở New Kru, đó dường như cũng là một nhiệm vụ bất khả thi.
Tây Phi báo động dịch Ebola, WHO họp khẩn
Các quốc gia Tây Phi đều ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca tử vong do nhiễm virus Ebola ở khu vực này tăng lên gần 1.000 và Tổ chức Y tế Thế giới đang họp khẩn cấp bàn biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể bệnh nhân Ebola ở khu vực ngoại ô thủ đô Monrovia, Liberia. Ảnh: EPA. |
Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf cuối ngày 6/8 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 90 ngày, Reuters cho hay. Hàng loạt người dân sinh sống ở thủ đô Monrovia sau đó đổ ra ngân hàng rút tiền để mua thực phẩm về tích trữ. Số khác chọn cách sơ tán về những khu vực không chịu ảnh hưởng của dịch Ebola.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép chính phủ Liberia hạn chế quyền dân sự và điều động cảnh sát, quân đội tới cách ly những khu vực có dịch Ebola. Hiện dịch bệnh nguy hiểm chết người này đã xuất hiện ở 4 quốc gia Tây Phi là Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.
Kailahun và Kenema, hai thị trấn phía đông Siera Leone, được đặt trong tình trạng cách ly. Các câu lạc bộ đêm và điểm giải trí trên khắp quốc gia được yêu cầu đóng cửa, AFP dẫn lời người phát ngôn chính phủ Sierra Leone cho hay.
Các bác sĩ công lập ở Nigeria tạm hoãn cuộc đình công dài một tháng do lo ngại gia tăng khi virus Ebola xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Ebola khiến hai người thiệt mạng và lây cho 5 người ở thành phố Lagos.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, kể từ tháng 3 đã có hơn 1.700 ca mắc Ebola và ít nhất 932 trường hợp tử vong ở khu vực Tây Phi. Cơ quan này đang thảo luận về việc có tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch Ebola hay không trong một phiên họp kín khẩn cấp ở Geneva. Dự kiến các biện pháp ứng phó của WHO, trong đó có thể là hạn chế di chuyển trên toàn cầu, sẽ được thông báo trong hôm nay.
Trong tình hình dịch Ebola có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế Việt Nam cũng ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với ba kịch bản có thể xảy ra gồm khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế còn đề nghị các cửa khẩu giám sát chặt người nhập cảnh trước tình hình dịch Ebola diễn biến bất thường, tỷ lệ tử vong tới 90%.
Được phát hiện lần đầu vào năm 1976 và đặt tên theo một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng khoảng hai phần ba số người nhiễm bệnh, trong đó có hai đợt bùng phát với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại. Hiện chưa có vaccine hay phác đồ điều trị căn bệnh này.
Thế giới đối mặt nguy cơ dịch Ebola lan rộng
Dịch Ebola, xuất hiện trở lại ở Tây Phi hồi đầu năm, đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia và các tổ chức y tế hàng đầu báo động.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm virus Ebola ở thành phố Kenema, Sierra Leone hôm 25/7. Ảnh: Reuters. |
Dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người có tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Virus gây bệnh này có hàng loạt biến thể. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào năm 1976.
Dịch Ebola thường xuất hiện từ những ngôi làng hẻo lánh ở Trung và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới. Virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người sau đó lan ra trong cộng đồng theo hình thức từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.
Hiện chưa có vaccine hay phác đồ điều trị căn bệnh này.
Dịch Ebola tái bùng phát
Guinea hôm 22/3 thông báo virus Ebola là nguyên nhân một dịch bệnh khi đó hoành hành ở vùng rừng phía nam nước này, với 59 trường hợp tử vong. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ 6 tuần trước đó nhưng các chuyên gia không thể nhận dạng bệnh. Sau đó, các nhà khoa học ở thành phố Lyon, Pháp, nghiên cứu mẫu xét nghiệm và xác nhận loại virus chính là Ebola.
Virus Ebola lây lan tới thủ đô Conakry của Guinea 5 ngày sau đó. Hôm 31/3, nhà chức trách Liberia xác nhận có hai trường hợp nhiễm Ebola. Sierra Leone xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Ebola hôm 26/5 và trở thành quốc gia châu Phi thứ ba chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 31/7 cho biết kể từ tháng 3 đã có 1.323 ca mắc Ebola và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.
Số trường hợp nhiễm virus Ebola (màu cam) và số ca tử vong (màu đen) tính đến ngày 31/7 ở châu Phi. Đồ họa: WHO/Reuters. |
Nguy cơ lây lan ra thế giới
Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết tình trạng hiện tại ở Guinea, Liberia và Sierra Leone chỉ diễn biến tồi tệ hơn và cảnh báo hiện không có chiến lược tổng thể nào để giải quyết sự bùng phát của dịch Ebola.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1/8 thông báo sẽ kiểm tra kỹ đại biểu từ các nước có virus Ebola đến Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Phi tổ chức vào tuần tới.
Đoàn Hòa bình Mỹ (US Peace Corps) hôm 30/7 thông báo rút hàng trăm tình nguyện viên ra khỏi ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hiện tổ chức này có 103 tình nguyện viên trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và sức khỏe tại Guinea, 108 người ở Liberia và 130 người ở Sierra Leone.
Truyền thông Canada cho biết một bác sĩ Canada đã tự nguyện cách ly để đề phòng sau nhiều tuần chữa trị cho bệnh nhân ở Tây Phi. Bác sĩ người Mỹ, làm việc cùng ông, hiện đã bị nhiễm Ebola.
Một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã trang bị và sẵn sàng chữa trị cho bất kỳ bệnh nhân nào mắc Ebola trong 28 quốc gia thành viên. "Chúng tôi không thể loại trừ khả năng người nhiễm bệnh tới châu Âu nhưng EU có biện pháp để theo dõi và kiềm chế bất cứ sự bùng phát nào", nguồn tin nói. Trường hợp cách ly và xét nghiệm âm tính một ca nghi ngờ mắc Ebola ở thành phố Valencia, Tây Ban Nha cho thấy "hệ thống này có tác dụng".
Tân Ngoại trưởng Anh Philip Hammond gọi Ebola là "một mối đe dọa nghiêm trọng". Nhà chức trách Anh trước đó xét nghiệm một người nghi ngờ nhiễm Ebola nhưng kết quả là âm tính. Một cuộc họp khẩn cấp đã quyết định giải pháp tốt nhất là cung cấp "thêm các nguồn lực để giải quyết bệnh dịch tại nơi phát sinh" ở Tây Phi, ông Hammond cho biết thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói họ đang hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn ở khu vực Tây Phi.
Nhà chức trách y tế Thái Lan yêu cầu toàn bộ bệnh viện theo dõi sát các triệu chứng của bệnh nhân, đặc biệt là công dân Thái hoặc khách du lịch từng ở Tây Phi.
Chính quyền Hong Kong công bố các biện pháp kiểm tra đối với những trường hợp nghi ngờ. Trường hợp gần đây nhất là một phụ nữ từ châu Phi tới Hong Kong có nhiều dấu hiệu giống triệu chứng bệnh Ebola nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính.
Australia hôm 31/7 cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị trong trường hợp Ebola xuất hiện tại đây. Chính quyền nước này cũng cảnh báo không nên tới Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Thông tin về dịch Ebola phủ kín trang nhất các báo ở Liberia. Ảnh: AP. |
Liberia thông báo đóng cửa mọi trường học và cho phép nhân viên những cơ quan chính phủ "không quan trọng" nghỉ 30 ngày. Các quốc gia châu Phi như Kenya, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Benin cho biết họ sẽ tăng cường kiểm tra tại các điểm kiểm soát biên giới và sân bay.
Lãnh đạo 4 nước Tây Phi, Guinea, Sierra Leone, Liberia và Bờ Biển Nga, hôm 1/8 đã có cuộc gặp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margaret Chan, ở thủ đô Conakry của Guinea để bắt đầu triển khai kế hoạch 100 triệu USD đối phó với dịch Ebola.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thêm rằng cơ quan này "không khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc giao thương" với Guinea, Liberia hay Sierra Leone. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tổ chức thảo luận với các quan chức y tế trên toàn thế giới để tìm ra biện pháp ngăn chặn bệnh dịch lây lan.
"Cho đến giờ, (virus Ebola) vẫn chưa tác động đến hàng không thương mại, nhưng chúng ta đang bị ảnh hưởng", Raymond Benjamin, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nói. "Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng".
Đăng nhận xét