GuidePedia

0

Hủ tiếu gõ lóc cóc đêm khuya

Hủ tiếu gõ là món ăn hết sức bình dân chỉ bán về đêm, khi người ta ngại ra đường và những quán ăn đã bắt đầu đóng cửa.
Bất cứ ai từng sinh sống ở Sài Gòn đều quen thuộc với  âm thanh lóc cóc vang lên khi đêm về trong hầu hết những con hẻm của quầy hủ tiếu gõ.
Người bán hủ tiếu gõ hầu như là người xứ Quảng với giọng nói chân chất, nhẹ nhàng, dễ mến. Không ai biết món hủ tiếu gõ xuất hiện từ khi nào và tại sao chủ yếu người bán lại là người Quãng Ngãi. Không cần khéo tay, không cần nhiều vốn, nhưng với sự chịu thương chịu khó, nghề bán hủ tiếu gõ đã trở thành chiếc cần câu cơm, giúp những người dân tha hương kiếm sống qua ngày.
hu-tieu-go-2-7597-1394438080.jpg
Hủ tiếu gõ đơn giản nhưng ấm lòng khi đêm về khuya.

Quầy hủ tiếu gõ chỉ đơn giản là một chiếc xe đẩy được trang bị bếp lò, phía trên đặt một thùng nước lèo luôn bốc khói nghi ngút, có ngăn để tô, muỗng, gia vị và mì. Công thức nấu nước lèo khá đơn giản với  xương heo, củ cải trắng, đường, bột ngọt nêm vừa ăn. Thành phần đầy đủ của một  tô hủ tiếu mỗi thứ một chút nhưng hòa quyện với nhau hài hòa và quyến rũ: một chút hủ tiếu khô, một ít giá, vài lát thịt thái siêu mỏng, hẹ, hành khô và vài miếng tóp mỡ béo bùi. Khách hàng chính của các quầy hủ tiếu gõ là sinh viên, những người lao động nghèo và dù tô hủ tiếu chỉ có vài  ngàn đồng thì thực khách vẫn được phục vụ đầy đủ chanh, tương ớt, khăn giấy.
hi-tieu-go-1-6472-1394438081.jpg
Bạn có thể ăn món hủ tiếu khô hay hủ tiếu nước, tùy khẩu vị.
Mỗi hàng hủ tiếu gõ thường sẽ một cậu bé đi theo cầm hai thanh tre hoặc thanh sắt gõ vào nhau tạo ra những âm thanh liên tục để mời gọi khách hàng. Nghe tiếng lóc cóc là biết có hàng hủ tiếu gần đó. Ai muốn ăn, chỉ cần kêu anh gõ, anh ta sẽ quay về xe hủ tíu và một lát sau bưng một bát nóng hổi  lại tận nhà cho người mua, rồi lại tiếp tục đi sâu vào những con hẻm khác gõ lóc cóc mời gọi. Đến cuối ngày, sau khi bán xong, anh gõ mới quay lại từng nhà để thu nhặt những tô hủ tíu khách hàng đã ăn xong mang về.
Những hôm về khuya đói bụng, ghé quán hủ tiếu gõ quen thuộc, ngồi ở lề đường thưởng thức một tô hủ tiếu gõ dưới ánh đèn vàng vọt của con hẻm nhỏ thấy cuộc sống sao mà bình yên.
hu-tieu-go-3602-1394438081.jpg
Hủ tiếu gõ, món ăn bình dân của người thành phố.
Trải qua nhiều thăng trầm, hủ tiếu gõ vẫn là món ăn ngon, bổ, rẻ của tầng lớp người lao động, sinh viên nghèo và trở thành một nét văn hóa rất riêng, rất bình dị khiến người ta nhớ nhiều khi xa mảnh đất Sài Gòn.

Những con phố ăn uống nổi tiếng ở Sài Gòn

Đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) được biết đến với các quán chè Thái hay con đường Hồng Hà (quận Tân Bình) nổi tiếng là nơi tập trung các món ăn Bắc ở Sài Gòn.
Sài Gòn từ lâu được biết đến như là một thành phố không bao giờ ngủ với những quán ăn, nhà hàng không khi nào đóng cửa. Bất cứ lúc nào và thời gian nào, chỉ cần bước chân xuống đường là bạn đã có thể tìm thấy cho mình một món ăn ngon miệng. Cho dù đó là một đặc sản của núi rừng Tây Nguyên hay món ăn dân dã ở miền Trung xa xôi... bạn đều có thể tìm thấy ở Sài Gòn. Không chỉ có vậy, ở Sài Gòn còn hình thành nên nhiều con phố tập trung nhiều quán ăn ngon, trở thành địa chỉ quen thuộc mà chỉ cần nói đến tên đường là bạn có thể biết được ở đó có những món ăn gì và bán vào thời gian nào...
1. Đường Nguyễn Tri Phương - quận 10
Nói đến con đường này, nhiều người nghĩ ngay đến món chè Thái nổi tiếng ở đây. Có ít nhất 5 quán chè Thái luôn tấp nập khách ra vào mỗi khi đêm về. Món chè hấp dẫn bởi sự đa dạng về màu sắc, mùi vị nào là sầu riêng, mít thơm lừng, sapoche dẻo, nhãn tươi, hạt lựu, bông tuyết, rau câu thái sợi, nước cốt dừa, sương sa... Cái vị beo béo của sữa tươi và thơm đậm của sầu riêng làm cho thực khách thích mê mỗi khi thưởng thức món ăn này.
pho1-3287-1391996257_1392196217.jpg
Từ giờ tan tầm cho đến mờ sáng hôm sau, các quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương không bao giờ vắng khách. Vỉa hè hai bên đường luôn được các hàng quán ở đây tận dụng làm chỗ ngồi cho thực khách. Ảnh: Huấn Phan.
Ngoài chè Thái, con đường này còn thu hút thực khách với nhiều món ăn ngon miệng khác nhau. Bạn sẽ đếm được không dưới 10 quán phở với nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn. Bên cạnh đó là các quán hủ tiếu Nam Vang, bánh canh ghẹ, cơm tấm... Vào những ngày trời trở lạnh, lẩu là món ăn khó có thể bỏ qua. Một món lẩu trở thành đặc sản ở đây là lẩu que (lẩu tự chọn). Khi ăn món này, các nguyên liệu tươi ngon như tôm, cua, cá, mực, nấm, hải sản... được bày sẵn để thực khách tha hồ lựa chọn theo ý thích của mình.
2. Đường Nguyễn Hữu Cầu - quận 1
Nằm ngay bên hông chợ Tân Định, con đường Nguyễn Hữu Cầu tuy nhỏ nhưng từ sáng đến khuya không lúc nào vắng thực khách. Nổi tiếng nhất là các món ăn Huế, có thể nói ở đây có gần như đầy đủ các món ăn nổi tiếng xứ Huế như: bánh bèo, bánh lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh nậm, nem nướng, bún bò.... với vị cay xé lưỡi đặc trưng khiến thực khách phải xuýt xoa khi thưởng thức.
cho-tan-dinh-2-3556-1391764183_139219624
Đầu đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định là một dãy các hàng quán mở suốt đêm để phục vụ các thực khách ăn khuya. Ảnh: Huấn Phan.
Ngay đầu đường bên hông chợ Tân Định là một dãy các hàng quán bán mở cửa từ sáng sớm đến tối mịt với đủ các món cơm, phở, cháo, hủ tiếu, bánh canh hay các món chè... Các món ở đây đều dễ ăn, vừa miệng cũng vừa túi tiền nhưng lại không đặc sắc nên ít để lại ấn tượng cho người ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức các món ăn Thái với mức giá tương đối rẻ ở khu vực này.
3. Đường Hồng Hà - quận Tân Bình
Nói về các món ăn Bắc, thì đây là con đường tập trung nhiều món Bắc nhất ở Sài Gòn. Ngoài món phở, bạn có thể kể tên hơn 10 món Bắc được bán trên con đường này như: nem tai, bún đậu mắm tôm, bún cá rô đồng, bún chả, cháo sườn, bánh đa cua, bún ốc...
Theo nhiều thực khách đánh giá thì các quán ăn ở khu vực này vẫn giữ được hương vị đặc trưng của người Bắc trong từng món ăn của mình. Ngoài các thực khách là người gốc Bắc, thực khách ở các địa phương khác cũng thường tìm đến đây khi muốn tìm một món ăn vừa ngon vừa lạ miệng.
4. Đường Phan Xích Long - quận Phú Nhuận
pho2-2749-1391996257_1392196293.jpg
Khu vực đường Phan Xích Long và hai bờ kênh Nhiêu Lộc là các quán ăn luôn sáng đèn từ đêm đến sáng. Ảnh: Huấn Phan.
Không chỉ được mệnh danh là 'con đường cà phê', đường Phan Xích Long còn là nơi tập trung rất nhiều quán ăn hấp dẫn đủ ba miền Bắc - Trung - Nam. Đến đây, bạn có thể dễ dàng thưởng thức một bát bún bò cay xé lưỡi đúng chất Huế hay tô bún cá thanh ngọt của người Đà Nẵng. Thực khách cũng có thể thưởng thức món bún đậu mắm tôm nồng nàn của miền Bắc hay bát phở hai tô (phở khô) bốc khói của phố núi Pleiku.
Sau những cơn mưa chiều hay những buổi tối trở gió, những xe ngô luộc hay khoai lang nướng luôn được người đi đường ưu ái lựa chọn. Bạn cũng không thể bỏ qua các quán ốc, quán hải sản hay chân gà nướng luôn tấp nập thực khách ở khu vực này.
Ngoài những con phố điển hình kể trên, ở Sài Gòn còn rất nhiều địa điểm khác cho bạn chọn lựa như phố cá lóc nướng Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), phố bánh canh Trần Khắc Chân (quận 1), phố món ăn miền Trung ở Trần Mai Ninh (quận Tân Bình) hay phố món Bắc ở Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)...

Quán vỉa hè được Tây balô săn lùng ở Sài Gòn

Với người Sài Gòn, đây là một quán vỉa hè bình thường. Nhưng với du khách nước ngoài, quán là địa điểm bằng mọi giá phải ghé đến khi du lịch tại Việt Nam.
Trong khoảng gần 5 năm trở lại đây, hình ảnh những ông Tây ngồi vỉa hè, xì xụp tô bún mắm bốc khói hay xuýt xoa với bát bún bò cay nồng... đã trở nên quá quen thuộc trong mắt những người dân sống ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu (quận 1).
Đến đây vào mỗi buổi trưa, bạn sẽ thấy rất nhiều du khách Tây đang chen chúc nhau bên những chiếc bàn con để thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Việt như: bún mắm; bún bò; bún thịt nướng; hủ tiếu... được thay đổi theo từng ngày.
Đó là do đây là quán ăn đã được đầu bếp nổi tiếng Anthony Michael Tony Bourdain giới thiệu trong chương trình khám phá ẩm thực của No Reservations (Mỹ).
lady-4-9536-1385019333.jpg
Với những du khách này, quán Lunch lady là địa chỉ không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn. Ảnh: Tiêu Phong.
Có tuổi đời 20 năm nhưng quán thực sự nổi tiếng và được nhiều du khách nước ngoài ghé đến ăn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Theo lời kể của bà Thanh chủ quán, đầu bếp Anthony cùng những người trong đoàn làm phim đã đến thưởng thức và ghi hình ảnh của quán sau khi đọc được bài viết trên tạp chí Asialife. Sau buổi trò chuyện với người phụ nữ trung niên vui tính này, Anthony quyết định gọi tên quán là Lunch lady. Kể từ đó đến nay, quán ăn vỉa hè này bắt đầu nổi tiếng, tên gọi Lunch lady cũng trở thành quen thuộc đối với du khách khi đến Sài Gòn.
lady-2-6163-1385019333.jpg
Bát bún mắm đầy màu sắc thật thơm ngon và hấp dẫn. Ảnh: Tiêu Phong.
Là quán cóc nên không có gì đặc biệt, chỉ là một tủ kiếng đựng đầy đủ các nguyên liệu cần thiết cho một món ăn với nồi nước lèo to đùng bốc khói nghi ngút bên cạnh. Quán không mái che, không bảng hiệu cũng không cả thực đơn, mỗi ngày bán một đến hai món, được thay đổi hàng ngày và không theo bất cứ quy luật nào.
Bạn sẽ không biết được mình ăn món gì cho đến trước khi ngồi vào bàn, có khi là bún mắm, khi là hủ tiếu, có ngày là bún thịt nướng, đôi khi lại là bún bò... Thế nhưng, thực khách không cảm thấy phiền toái, ngược lại còn thấy rất thú vị vì sự "bất thường" đó của chủ quán.
lady-1-4864-1385019334.jpg
Không chỉ có du khách, những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn cũng thường xuyên ghé quán ăn vào mỗi buổi trưa. Ảnh: Tiêu Phong.
Quán không chỉ nổi tiếng bởi các món ăn ngon mà còn gợi trí tò mò qua lời truyền miệng của khách Tây balô nên càng càng ngày càng đông khách. Tuy mỗi ngày nấu một món, lại chỉ bán trong khoảng 2 giờ đồng hồ (từ 11h đến khoảng 13h) nhưng các món ăn ở quán luôn được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ việc nhặt rau, luộc thịt cho đến nấu nước dùng... Chính nhờ điều đó, nên sau khi đến đây vì tò mò, đa phần thực khách đều ghé lại để được thưởng thức thêm hương vị thơm ngon của những món ăn khác ở quán mặc cho cái nắng nóng như đổ lửa giữa trưa Sài Gòn

Tha hồ ăn ngon trên đường Phan Xích Long

Phở khô Gia Lai, bún chả cá Đà Nẵng, chân gà nướng... là những đặc sản vùng miền nổi tiếng mà bạn có thể thưởng thức trên con đường sầm uất này.

Được biết đến là một khu phố ăn chơi sầm uất với rất nhiều quán ăn, quán cà phê... nên không ngạc nhiên khi đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP HCM) trở thành địa điểm lui tới của rất nhiều người. Đến đây vào buổi sáng sớm hay chiều tối, lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy cho mình các món ăn ngon miệng như bún, phở, các món hải sản; chân gà nướng... với mức giá tương đối mềm.
1. Bún chả cá miền Trung
Nằm ngay đầu đường Phan Xích Long là món bún chả cá với hai thương hiệu nổi tiếng của người miền Trung là bún chả cá Bình Đinh và bún chả cá Đà Nẵng. Tuy khác nhau về tên gọi nhưng nhìn chung món ăn của hai địa phương này có nhiều nét tương đồng. Những lát chả cá vàng ươm, dẻo dai nhờ được làm từ các loại cá đặc trưng vùng biển miền Trung như: cá mối, cá nhồng, cá thu, cá rựa, cá cờ, cá chỉ vàng... Người ta thường chế biến thành hai loại khác nhau là hấp chín và chiên vàng, dù chiên hay hấp thì món chả cá của người miền Trung cũng hấp dẫn người ăn nhờ cái dai mềm, ngon ngọt tự nhiên.
bun-cha-ca-1-6852-1390411018.jpg
Món bún chả cá nổi tiếng của người miền Trung luôn giành được sự ưu ái của thực khách. Ảnh: Huấn Phan.
Không chỉ có chả cá, nước dùng của món ăn này cũng được chế biến khá công phu. Không sử dụng bột ngọt hoặc đường, người miền Trung sử dụng xương cá tươi, thường là xương cá thu, cá cờ hoặc những loại cá nhỏ như cá chỉ vàng, cá liệt… ninh chín để làm nước dùng. Nhờ sự kỳ công đó mà nồi nước dùng của món ăn này luôn trong veo và có vị ngọt thanh ngon miệng.
Thêm một điểm giống nhau nữa là cho dù bạn ăn bún chả cá Đà Nẵng hay Bình Định thì luôn có đĩa rau sống tươi ngon được thái nhuyễn, một hủ hành tím ngâm, chén tương ớt... chính nhờ những nguyên liệu này làm tăng thêm hương vị cho món ăn thơm ngon này.
Địa chỉ: Quán bún chả cá Đà Nẵng - 8 Phan Xích Long; Bún chả cá Bình Định - 1 Phan Xích Long.
2. Bò lá lốt
Đây là một trong những địa điểm được những tín đồ mê món bò lá lốt biết đến. Nhờ vậy, nên dù chỉ là một quán ăn bình dân nhưng không có lúc nào vắng khách. Lò than của quán lúc nào cũng đỏ lửa để kịp phục vụ cho thực khách những phần bò nướng cháy cạnh, thơm ngon. Được làm từ thịt bò, thịt lợn băm nhuyễn, cuốn trong lá lốt và nướng trên bếp than hồng với âm thanh xèo xèo, món ăn lan tỏa mùi thơm làm thực khách khó có thể cầm lòng.
bo-la-lot-1-7668-1390411018.jpg
Bò lá lốt cuốn bánh tráng được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà. Ảnh: Huấn Phan.
Bò lá lốt được ăn kèm với bún, bánh tráng, các loại rau xà lách, diếp cá, húng quế... thêm một ít chuối chát, dưa leo, khế thái lát mỏng và dĩ nhiên không thể thiếu chén mắm nêm. Hương thơm của thịt bò nướng lá lốt, hòa trong cái vị chát của chuối, vị chua của khế cùng hương thơm đặc trưng của mắm nêm làm cho món ăn thêm đậm đà và ngon miệng.
Địa chỉ: Quán Anh Ba - 1 A Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
3. Phở khô Gia Lai
Đây là món ăn nổi tiếng của người dân Gia Lai. Khác với bánh phở Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai hơn. Nước dùng của phở khô trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng, không quá đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa miệng. Nguyên liệu ăn phở khô rất phong phú, bạn có thể ăn với thịt gà, thịt bò tái hoặc bò viên.
pho-kho-1-1163-1390411018.jpg
Phở khô là đặc sản của Gia Lai mà rất nhiều người muốn được một lần thưởng thức. Ảnh: Huấn Phan.
Bánh phở được chần chín và để riêng trong một tô, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước dùng được để riêng trong một tô còn lại. Ăn phở khô không thể thiếu tương đen, tương vừa có vị mặn nhưng vẫn có vị hơi ngòn ngọt của đậu được lên men. Khi ăn, cho tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái để thêm vị cay và trộn đều.
Địa chỉ: Quán phở khô Hồng - 114 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
4. Chân gà nướng
Quán ăn đơn điệu với một chiếc tủ nhỏ bày thức ăn, dăm ba chiếc bàn con và một bếp than hồng rực, cùng mùi thơm quyến rũ từ những chiếc chân gà nướng cháy cạnh, vàng ươm. Không nhiều món ăn cho bạn lựa chọn trong thực đơn của quán khi chỉ có chân gà hoặc cánh gà nướng. Chỉ chừng đó thôi nhưng nhờ cách ướp nướng thơm ngon nên quán luôn được nhiều thực khách ưu ái ghé đến thưởng thức.
chan-ga-nuong-6122-1390411018.jpg
Trong thời tiết se lạnh ngày cuối năm thì chân gà nướng là món ăn ngon khó có thể bỏ qua. Ảnh: Huấn Phan.
Chân gà nướng ở đây có cách chế biến rất đơn giản, khó nhất là khâu tẩm ướp gia vị để chân gà thấm đều, không quá mặn hoặc không quá nhạt... Những chiếc chân gà được rửa sạch, để ráo nước rồi chẻ làm đôi trước khi ướp các loại gia vị như đường, ngũ vị hương, nước tương, ớt sa tế, tỏi bằm... để trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ cho thấm gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng. Chân gà nướng chín thường được ăn kèm với ít đồ ngâm chua, rau răm cùng chén muối ớt chanh chua cay, đậm đà.
Địa chỉ dành cho bạn: 105 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM.
5. Các món hải sản
Bạn có thể dễ dàng thưởng thức các loại nghêu, sò, ốc, hến... trên con đường này. Ngay từ đầu giờ chiều, các quán ốc ở đây đã bắt đầu quyến rũ người đi đường nhờ hương thơm của món ăn tỏa ra từ các vỉ nướng đặt trên vỉa hè. Thức ăn phong phú, mức giá bình dân, chổ ngồi thoáng mát nên các quán ốc ở đây luôn là địa chỉ lý tưởng cho thực khách lựa chọn.
hai-san-9032-1390411018.jpg
Những món hải sản nướng thơm ngon luôn đủ sức hút với bất kỳ thực khách nào. Ảnh: Huấn Phan.
Ngoài các món ăn kể trên, con đường này còn khá nhiều món ăn ngon miệng khác như: mì Quảng, hủ tiếu, bún bò, phở, chè miền Tây... với đủ hương vị thơm ngon có thể làm hài lòng bất cứ thực khách nào khi đến đây.

Những quán ăn ngon ở khu Tân Định

Cháo sườn, mì xào giòn hay bánh canh bò viên... là những món ăn ngon mà bạn có thể thưởng thức trong khu Tân Định (quận 1, TP HCM).

1. Bánh canh bò viên
Chỉ là một quán ăn bình dân ngay vỉa hè nhưng đây lại là địa chỉ quen thuộc của nhân viên văn phòng trong khu vực vào mỗi buổi chiều. Bánh canh bò viên hấp dẫn người ăn với cái thơm, dai của bò viên cùng vị ngọt của nước lèo.
banh-canh-bo-vien-1882-1386750314.jpg
Cái ngon nhất của món ăn chính là bò viên. Bò viên được làm thành những viên to, khi ăn dai dai giòn giòn, thơm ngọt đậm đà rất ngon miệng.
Địa chỉ: Nằm cuối đường Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, quận 1. Quán bắt đầu bán từ 15h đến khoảng 19h. Mỗi bát bánh canh có giá từ 25.000 đồng.
2. Cháo sườn non
chao-suon-8722-1386750314.jpg
Nằm đối diện chợ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM), hàng cháo vỉa hè này bắt đầu đông khách vào giờ tan tầm cho đến cuối ngày. Món ăn hấp dẫn với màu trắng của cháo, lấp ló vài miếng sườn nho nhỏ hồng hồng, nghi ngút khói, thêm một ít tiêu và hành mùi càng dậy mùi thơm ngon trong cái lành lạnh của mùa đông Sài Gòn.
3. Các món ăn Huế
bun-thit-nuong-1-4030-1386750315.jpg
Nằm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định là một dãy quán ăn bán các món Huế. Đến đây vào buổi sáng trưa hoặc chiều tối, lúc nào bạn cũng có thể dễ dàng thưởng thức một món ăn ngon đậm chất xứ Huế. Có thể kể ra đây một vài món ngon như: bánh canh Nam Phổ, bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm, bún bò, nem lụi...
4. Mì xào giòn
Tọa lạc sau lưng chợ Tân Định, quán là địa chỉ cho những tín đồ thích ăn đêm khi mà thời gian bán hàng thường kéo dài đến 2-3h sáng. Món ăn chính của quán là mì xào giòn với sợi mì vàng ươm, giòn tan, ăn kèm là hải sản và các loại rau. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức hủ tiếu xào, phở xào cũng rất ngon miệng ở đây.
mi-xao-gion-6737-1386750315.jpg
Địa chỉ: Quán mì xào giòn góc đường Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Quán bán từ 19h đến khoảng 2h sáng ngày hôm sau. Mỗi đĩa mì xào ở đây có giá 30.000 đồng.
5. Các món ăn miền Tây
Với những người thích ẩm thực miền Tây, quán ăn ngay dốc cầu Kiệu với những món ăn đậm chất Nam bộ đáng để bạn thưởng thức như: bánh tằm bì, cháo cá rau đắng, cơm tấm phá lấu, bánh đúc ngọt, bánh chuối hấp, bánh củ cải, bánh canh tôm... Các món ăn ở đây được làm rất vệ sinh và thơm ngon.
banh-tam-bi-4090-1386750315.jpg
Nếu có thời gian, bạn có thể cùng bạn bè đến thưởng thức món bánh dân dã này tại địa chỉ: 459B Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP HCM. Quán mở cửa từ 6h đến 19h hàng ngày. Các món ăn ở đây có mức giá từ 30.000 đồng.
6. Ẩm thực đêm chợ Tân Định
Với những tín đồ thích ăn đêm, khu vực bên hông chợ Tân Định với một dãy dài các hàng quán cùng hàng chục món ăn ngon luôn tấp nập từ chiều tối đến đêm khuya. Khi dòng người trên đường vội vã trở về nhà sau một ngày làm việc thì cũng là lúc các hàng quán ở đây lên đèn, nhân viên của các quán bắt đầu dọn bàn ghế, căng dù, che bạt để chuẩn bị cho một đêm kinh doanh của mình.
cho-Tan-Dinh-6155-1386750315.jpg
Thức ăn ở đây rất phong phú và đa dạng với rất nhiều loại cho bạn lựa chọn. Từ ăn no như cơm chiên, bún, phở... cho đến ăn vặt như súp cua, nem chua..., từ món nước như hủ tiếu Nam Vang, mì, hoành thánh... hầu như không thiếu món nào. Các món ăn ở đây đều dễ ăn, vừa miệng cũng vừa túi tiền nhưng thật khó để tìm được một món ăn thật ngon, để lại ấn tượng cho người ăn. Có thể vì hàng quán nào cũng bán một lúc nhiều món ăn, nên thiếu đi hương vị đặc trưng cho từng món ăn.

Quán nhỏ đủ món ngon đất Phú Yên

Bánh ướt chả bò, bánh hỏi nem nướng, bánh nậm... là những món ngon đất Phú Yên mà bạn có thể thưởng thức ngay tại Sài Gòn.

Chỉ là những món ăn quen thuộc của đất miền Trung như: bánh bèo, bánh hỏi, bánh ướt... nhưng quán ăn trong hẻm nhỏ đường Lê Văn Sỹ (quận 3) được nhiều người ưa thích vì mang đậm phong cách và hương vị rất riêng của người dân Phú Yên. Tuy có cùng tên gọi nhưng cách chế biến, kết hợp nguyên liệu... nên những món bánh quen thuộc nói trên vẫn mang đến nhiều hương vị mới lạ cho người ăn.
Dưới đây là một vài món ăn ngon mà bạn không nên bỏ qua khi ghé đến quán:
IMG-3588-2445-1381725374.jpg
Món ăn đầu tiên phải kể đến là bánh bèo, cái bánh của người Phú Yên bé tí chứ không to như bánh bèo chén của người Huế hay người xứ Quảng. Để có được điều đó, người dân ở đây sử dụng khuôn bánh là những chiếc chung rượu bằng gốm, xếp đầy trong xửng. Bột gạo được pha sẵn, đổ vào từng chiếc chung một rồi đem hấp chín. Khi hấp, nước trong nồi phải luôn sôi thì bánh mới chín trong và tạo thành một lỗ tròn giữa chiếc bánh rất đẹp mắt. Bánh bèo Phú Yên cũng được ăn kèm với tôm cháy, hẹ phi và nước mắm ngọt giống với cách thưởng thức bánh bèo chén xứ Huế.
IMG-3583-6751-1381725374.jpg
Bánh ướt chả bò cũng là món ăn bạn nên ăn thử. Cũng làm từ bột gạo như món bánh ướt của người miền Trung, nhưng chiếc bánh ở đây được tráng dầy hơn. Bánh ướt được thoa lên một lớp hẹ phi, cuốn tròn lại và ăn kèm với chả bò (một đặc sản nổi tiếng của Phú Yên). Món ăn có vị thơm nồng của hẹ, giòn sần sật của chả bò cùng vị cay của nước chấm ăn kèm ngon miệng.
IMG-3620-6116-1381725374.jpg
Bánh hỏi nem nướng cũng là món ăn quen thuộc, thường được người dân địa phương sử dụng làm món điểm tâm sáng. Không ăn kèm với rau sống hay bánh tráng như cách ăn của người miền Nam, người Phú Yên thái nem nướng thành từng lát mỏng, kẹp với bánh hỏi rồi ăn cùng nước chấm. Ngoài ra, bánh hỏi còn được ăn kèm với lòng heo, cháo lòng cũng rất ngon miệng.
IMG-3594-1416-1381725374.jpg
Bánh tai vạc (người dân địa phương thường gọi là bánh tai dạt) hay còn gọi là bánh bột lọc là một loại bánh rất phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Huế... kéo dài vào đến Nha Trang, Khánh Hòa. Chiếc bánh nhỏ bé có màu trong suốt, ẩn hiện bên trong là màu đỏ của nhân tôm thịt hay màu vàng của đậu xanh. Bánh được luộc chín, phi nhiều hẹ vừa có màu xanh hấp dẫn vừa thơm ngon. Chiếc bánh bột lọc nho nhỏ nhưng lại có một sức quyến rũ rất riêng được ăn kèm với nước mắm ngọt hơi cay càng thêm ngon miệng.
IMG-3608-4974-1381725374.jpg
Bún cá sóc lác là một biến tấu còn khá lạ lẫm đối với nhiều người. Nhưng thật chất, món ăn chỉ là bún sợi nhỏ, kết hợp với nước dùng, chả cá thác lác và các loại rau sống ăn kèm. Tuy đơn giản nhưng món bún hấp dẫn người ăn nhờ cái vị đậm đà, ngọt dịu rất dễ chịu. Đây là món ăn mà bạn có thể thưởng thức vào buổi sáng hoặc buổi chiều đều thích hợp.
IMG-3634-8049-1381725375.jpg
Bún nem nướng của người Phú Yên khá đơn giản nhưng được trình bày rất đẹp mắt. Rau sống được thái nhỏ để bên dưới, bên trên là bún tươi, bánh tráng chiên vàng giòn. Phần hấp dẫn nhất chín là nem nướng, tuy nhiên, nem nướng không để thành từng khúc to mà lại được thái thành từng sợi nhỏ không chỉ đẹp mắt mà còn dễ thấm gia vị khi trộn với nước mắm pha hơi sánh cùng các nguyên liệu khá với nhau.
IMG-3553-9464-1381725375.jpg
Cá mương chiên giòn cuốn bánh tráng là món ăn rất đặc sắc ở đây. Cá mương có hình dáng giống con cá bống suối nhưng dài và dẹt hơn. Cá thường sống thành từng đàn trong các con sông, con suối ở đây. Cá mương thường được dùng để nấu canh ngày nóng, kho mặn ngày mưa, nhưng ngon nhất là chiên giòn, cuốn với bánh tráng, các loại rau, bún tươi cùng chén nước chấm đậm đà vị cay xé lưỡi.
IMG-3516-3950-1381725375.jpg
Khi đã ngon miệng với những món mặn, bạn có thể tráng miệng với chén chè mít đát thanh ngọt mát lạnh chỉ có ở vùng đất Phú Yên. Thành phần của món ăn ngoài mít, thạch dừa còn có hạt đát. Đây là một loại hạt của cây đát, có màu trắng gần giốt thốt nốt nhưng nhỏ hơn và khi ăn hơi giòn sần sật. Trong những ngày nắng nóng, món chè với vị ngọt dịu, thanh mát luôn là món ăn giải nhiệt được người dân quê ưa thích.
Ngoài những món ăn kể trên, ở quán còn nhiều món ăn khác cũng rất ngon miệng như bánh ít lá gai, bánh nậm, sữa chua nếp cẩm.... Địa chỉ dành cho bạn: Quán Bánh bèo Quơ - 402/39 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP HCM. Quán bán từ 10h đến 22h hằng ngày, mỗi món ăn ở quán có giá từ 20.000 đồng đến 70.000 đồng.

Lạ miệng với bánh bèo xứ Quảng

Cũng làm từ bột gạo, khuôn bánh là những chén nhỏ nhưng thay vì ăn với tôm cháy, bánh bèo Quảng Nam lại được phủ một lớp nhân màu đỏ gạch hơi sánh.

Bánh bèo là một loại bánh dân dã nhưng rất nổi tiếng của người dân miền Trung, đi đến đâu bạn cũng có thể thưởng thức món ăn này. Tùy vào từng vùng mà món ăn được biến tấu khác nhau. Tuy nhiên, bánh bèo chén vẫn giữ được những nguyên tắc chung như làm từ bột gạo, khuôn bánh là những chiếc chén nhỏ, ăn kèm với nhân, nước chấm pha ngọt và hơi cay.
banh-beo-1-1377493643.jpg
Có hình thức giống bánh bèo chén xứ Huế nhưng bánh bèo của người Quảng được đổ dầy hơn, phần nhân cũng được làm sánh tạo nên nét riêng biệt của món ăn.
Bánh bèo chén xứ Quảng cũng không có gì khác so với bánh bèo chén xứ Huế hay các tỉnh miền Trung khác. Nhưng điểm làm nên sự khác biệt chính là phần nhân sánh và hơi béo của món ăn này. Cũng được làm từ tôm nhưng lại không cháy khô như bánh bèo xứ Huế, phần nhân bánh bèo được chế biến từ thịt nạc xay, tôm bằm nhuyễn, nấm mèo thái nhỏ... tất cả được hòa chung với nhau tạo thành một loại nước sốt sệt rất thơm ngon và vừa ăn.
banh-beo-4-1377493643.jpg
Nước mắm được pha đậm đà và cay xé lưỡi.
Phần bánh cũng được đổ dầy hơn, mềm dai và thơm ngon. Những chén bánh bèo nóng hổi, trắng tinh được lấy ra từ nồi hấp. Chủ quán sẽ thoa lên một lớp dầu phụng, tiếp đến là phần nhân, hành phi và mang ra cho thực khách. Từng chén bánh bèo với màu đỏ gạch đặc trưng của nhân thật hấp dẫn. Ăn bánh bèo chén không thể thiếu chen nước mắm được pha đậm đà với vị cay xé lưỡi đặc trưng của người miền Trung.
Ăn bánh bèo chén ngon nhất là trong những ngày mưa phùn trời hơi se lạnh. Rưới đều nước mắm ngọt lên chén bánh bèo đang bốc khói, dùng thìa xắn thành từng phần nhỏ rồi cho vào miệng. Lớp bột bánh mềm dai, phần nhân sánh hơi béo hòa trong nước mắm đậm đà thật kích thích vị giác.
banh-beo-2-1377493643.jpg
Bánh bèo thích hợp làm món ăn vặt trong những buổi chiều se lạnh.
Đường Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM là khu vực tập trung nhiều quán bán món ăn này nhất, bạn có thể ghé đến quán bánh bèo xứ Quảng ở địa chỉ 64, 68 hoặc 76 để nếm thử hương vị thơm ngon, lạ miệng của món ăn này. Quán bán từ 6h30 đến 21h hằng ngày. Mỗi chén bánh bèo ở đây có giá 2.000 đồng.

Những quán Huế ngon ở Sài Gòn

Bạn có thể thưởng thức cơm hến, bánh bèo chén, bánh bột lọc... trong một ngôi nhà vườn mang đậm chất Huế ngay giữa Sài Gòn.

com-hen-9169-1378783616.jpg
Cơm hến là món ăn nổi tiếng của xứ Huế được bán nhiều ở Sài Gòn. Ảnh: H.P.
1. Quán Rất Huế - 28/2D Thanh Đa, phường 25, quận Bình Thạnh. Quán có các món nổi tiếng như cơm hến, bún hến, bánh lọc... với mức giá khoảng 15.000 đồng.
2. Quán O Xuân 2 - 22A Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1. Đến đây bạn có thể ăn món bánh canh, bún bò ngon đúng chất Huế.
3. Quán Quê Tui - 47 Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình - quán ăn được nhiều thực khách nhận xét là tốt về chất lượng món ăn cũng như mức giá phù hợp.
4. Quán Hương Giang - 50 Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình. Thực đơn ở quán có hầu như đầy đủ các món ăn của xứ Huế với mức giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
5. Quán Bích Liên - 386/71D Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3. Tuy nằm giữa quận trung tâm nhưng các món ăn ở quán có mức giá tương đối rẻ với 1.500 đồng cho một bánh bèo chén.
6. Quán Góc Huế - 59 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. Ở đây có món cơm trộn cung đình rất hấp dẫn và ngon miệng.
va-tron-7877-1378783616.jpg
Vả trộn, một món ăn bình dị trong bữa cơm của người Huế trở thành món đặc sản ở Sài Gòn. Ảnh: H.P.
7. Quán Mạ ơi - 61 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1. Món ăn được thực khách ưa thích nhất khi đến đây là bún bò Huế và tré.
8. Quán Ngự Bình - 82 cư xá Nguyễn Văn Trỗi, phường 17, quận Phú Nhuận. Đây là quán ăn được nhiều thực khách đánh giá là mang đậm hương vị Huế nhất.
9. Quán Huế Hương Giang - 129 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3. Quán có món thịt luộc tôm chua rất ngon.
10. Quán Ruốc - 38/26 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận. Món ram Huế và món vả trộn ở quán rất nổi tiếng.
11. Quán Huế Xưa - 1074 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh.
12. Quán Bến Ngự - 77 Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3.
13. Quán Vỹ Dạ - 1N Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình. Quán mở cửa từ 7h đến 22h hằng ngày. Món ăn ở quán có mức giá từ 15.000 đồng.
14. Quán Hương Bình - 88 Trần Huy Liệu, phường 15, quận Phú Nhuận. Quán thu hút thực khách với những món ăn Huế vừa tinh tế vừa đa dạng như bánh nậm; bánh lọc, bánh khoái...
15. Quán Mi Tau - 6/33 phường Bến Thành, quận 1.
16. Quán Hương Ngự - 83 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1. Quán có món cơm âm phủ rất nổi tiếng của xứ Huế.
17. Quán Ngon Rứa Hè - 92 đường số 7, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
18. Quán Ái Mỹ - 1163 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh. Quán có món cơm hến, vả trộn rất ngon miệng.
19. Quán bánh bèo chén Thanh Nga - 45C Kỳ Đồng, phường 9, quận 3.
20. Quán Hỷ - 15 - 17 - 19 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1. Nằm giữa trung tâm Sài Gòn nên quán là địa chỉ quen thuộc của du khách nước ngoài khi muốn thưởng thức món ăn Huế.

Mắt cá ngừ đại dương níu chân du khách Phú Yên

Mắt cá ngừ có vị bùi, béo và hương thơm phần thịt ở đáy mắt đặc trưng, khi múc thìa đầu tiên đưa vào miệng thì vị ngọt, cay cay lan ra tận đầu lưỡi.

Du lịch Phú Yên ngoài việc thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh như ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan, cảng Vũng Rô hay mũi Đại Lãnh…, du khách còn được thưởng thức những món ăn bình dân như bánh cuốn, cháo lòng bánh hỏi, sò huyết... nhưng đặc biệt nhất là món mắt cá ngừ đại dương. Cá ngừ đại dương còn gọi là cá bò gù, là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao và là món ăn rất được ưa chuộng ở nhiều nơi tại châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Mắt cá ngừ to bằng quả trứng gà, giàu Omega 3 và DHA, rất tốt cho mắt của bạn.
Ở các tỉnh dọc duyên hải miền Trung đều có cá ngừ nhưng có lẽ cá ngừ đại dương và đặc biệt món mắt cá ngừ đại dương là món ngon bổ dưỡng mà trời đã phú cho vùng đất này. Mắt cá ngừ hầu như không ra khỏi địa bàn tỉnh vì không đủ cung cấp cho các nhà hàng và mấy quán ăn ở dọc bờ kè Phú Yên. Vì vậy, hầu như bất kỳ du khách nào lần đầu tới đây cũng đều chọn món mắt cá ngừ đại dương để thỏa mãn sự tò mò mà bấy lâu nay chỉ nghe tiếng tăm chứ chưa được thưởng thức. Nhưng khi thử rồi thì lại muốn ăn nữa, ăn mãi, và lại muốn được nhiều lần ghé Phú Yên để thưởng thức món ăn ngon miệng này.
mat-ca-ngu-7033-1381229778.jpg
Mắt cá ngừ đại dương là đặc sản mà bất kỳ du khách nào khi tới Phú Yên cũng đều thử.
Mắt cá ngừ được chế biến rất công phu. Mắt cá sau khi sơ chế chỉ lấy phần cầu mắt kèm theo vài loại rau củ, gia vị trong món tiềm như táo tàu, kỷ tử rồi được bỏ vào hũ đất nung và đun chín. Tuy có kỳ tử, táo tàu nhưng khi thưởng thức thì không ngửi thấy mùi thuốc bắc và vẫn giữ mùi thơm đặc trưng của cá. Vì vậy, những người không dùng được những món liên quan đến thuốc bắc thì đều ăn được món này. Mắt cá ngừ được ăn kèm với nhiều loại rau thơm, nhưng đặc biệt không thể thiếu lá tía tô cắt nhỏ, cho rau vào, dùng đũa khuấy nhẹ cho rau chín tái và thấm chất ngọt nước dùng rồi cho vào miệng. Mắt cá ngừ ăn bùi bùi, béo béo và hương thơm của phần thịt ở đáy mắt rất đặc trưng, khi múc thìa đầu tiên đưa vào miệng thì vị ngọt, cay cay lan ra tận đầu lưỡi. Đối với người miền Trung khi thưởng thức món này thì thường cho thêm đậu phộng rồi bẻ nhỏ bánh tráng nướng vào nước dùng để húp xì xụp, rồi hít hà và tận hưởng hương vị tuyệt vời của món ăn.
Mắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên không chỉ mang hương vị đậm đà của biển mà còn mang cả hơi thở của cuộc sống và con người nơi đây. Nếu có dịp ghé Phú Yên, bạn có thể thưởng thức món này tại đường Lê Duẩn với giá 20.000 đồng/hũ.

20 địa chỉ ăn buffet được ưa thích ở Sài Gòn

Hãy tham khảo một vài địa chỉ dưới đây để có một bữa ăn buffet hợp lý cho gia đình tại Sài Gòn, theo túi tiền của bạn.

Những nhà hàng buffet có giá trên 500.000 đồng
1. Sofitel Sài Gòn - buffet hải sản - 17 Lê Duẩn, phường Bến Ngé, quận 1, TP HCM
Buffet hải sản vào tối thứ ba và thứ bảy hàng tuần. Giá 850.000 đồng/người, bao gồm đồ uống không giới hạn. Đây là điểm cộng hơn hẳn những nhà hàng buffet khác như New World hay Intercontinental... khi phải trả thêm khoảng 150.000 đồng để được uống tự do. Bên cạnh đó vào ngày thứ 6, tại đây có buffet pho mát với trên 100 loại. 
hinh-3-398136-1368306099_500x0.jpg
2. Buffet sáng, trưa, tối tại Legend Hotel: 2A - 4A Tôn Đức Thắng, quận 1.
Giá ở Legend Hotel - Sáng (6h - 10h): 380.000 đồng/người; Trưa (11h30 - 14h30): 440.000 đồng/người; Tối ( 18h - 22h): 740.000 đồng/người. Trưa thứ bảy và chủ nhật (11h - 14h30): 630.000 đồng/người. Món ăn tại đây phong phú, tuy nhiên có một vài như thịt gà hầm, đậu hầm... nếu bạn ăn lần đầu có thể chưa quen. Các món nướng như thịt bò, cừu hơi nhạt còn soup cũng không được thực khách đánh giá cao.
3. Buffet hải sản tại nhà hàng Cham Charm - 2 Phan Văn Chương, quận 7.
Vào tối thứ tư, năm, sáu, bảy và chủ nhật hằng tuần, từ 18h đến 21h30 tại đây có buffet cao cấp với giá 1.029.000 đồng/người. Thực đơn ở đây khá phong phú với các loại hải sản, sushi và sashimi, các món nướng tươi sống kiểu Nhật như sò điệp Nhật, tôm hùm, các loại thịt bò của Mỹ, Australia. Một điều thú vị khác là tại quầy tráng miệng, thực khách có thể tự thưởng thức tài nghệ làm kem của mình trên chảo lạnh -20 độ C cùng các loại bánh đặc sắc.
4. Buffet tối tại Strata Restaurant - tầng 50 tòa nhà Bitexco - 2 Hải Triều, quận 1.
Từ 18h đến 22h các tối trong tuần, buffet của nhà hàng tập trung vào các món ăn mang hương vị truyền thống của Việt Nam và các nước. Thực đơn thay đổi tùy mùa và có thực đơn đặc biệt cho các ngày lễ như: Tết Nguyên Đán, Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh. Mức giá buffet ở đây hơi cao, với 820.000 đồng/người chưa bao gồm các thức uống khác.
5. Buffet hải sản tại nhà hàng La Mezzanine - Khách sạn StarCity - 144 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận.
Buffet từ 18h đến 22h hằng ngày với mức giá 669.000 đồng/người. Buffet hải sản phong phú gồm nhiều món ăn hấp dẫn, thơm ngon và lạ miệng, kết hợp hài hòa giữa ẩm thực truyền thống Việt Nam và các món ăn quốc tế.
6. Buffet thịt nướng truyền thống tại JJ's Brazillian BBQ - 279 Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Buffet thịt nướng mang hương vị Brazil với mức giá 550.000 đồng/người, từ 17h đến 22h tất cả các ngày trong tuần. Không gian rộng rãi, thoáng mát, các món nướng đậm đà cùng 25 món salad làm thực đơn của bạn thêm phong phú và đa dạng.
hinh-4-105636-1368306100_500x0.jpg
7. Buffet tại nhà hàng The Grill - Khách sạn Duxton - 63 Nguyễn Huệ, quận 1.
Nhà hàng The Grill ở khách sạn Duxton là một trong những nơi tổ chức buffet khá lâu đời ở Sài Gòn mang đậm phong cách Á, Âu. Có hai mức giá khác nhau cho bạn lựa chọn, từ 11h đến 14h: 462.000 đồng/người. Từ 18h đến 22h: 682.000 đồng/người. Mức giá trên chưa bao gồm thức uống.
8. Buffet tại Khách sạn New Word - 76 Lê Lai, quận 1.
Một trong những khách sạn hạng sang của Sài Gòn, nên buffet ở đây cũng có mức giá rất cao. Từ thứ 2 đến thứ 5: 922.000 đồng/người, thứ 6, thứ 7, chủ nhật: 1.015.000 đồng/người. Thời gian bắt đầu từ 18h đến 22h hằng ngày.
9. Khách sạn Moevenpick - 253 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận.
Bạn có thể thoải mái thưởng thức buffet tại đây vào các thời điểm trong ngày. Từ 6h đến 10h30: 370.000 đồng/người, từ 11h30 đến 14h: 439.000 đồng/người, từ 18h đến 22h: 786.000 đồng/người. Tiệc buffet chỉ diễn ra từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
10. Buffet Sài Gòn Cafe - Khách sạn Sheraton - 80 Đồng Khởi, quận 1.
Với hơn 100 món Âu, Á trong thực đơn buffet hằng ngày nên đây là địa điểm được người Sài Gòn ưa thích. Buffet diễn ra trong ba thời điểm là sáng, trưa và chiều. Từ 6h - 10h: 543.000 đồng/người, từ 12h - 14h30: 624.000 đồng/người, từ 18h - 22h: 1.063.000 đồng/người. Tiệc buffet chỉ diễn ra các ngày trong tuần, riêng trưa Chủ nhật, buffet có phục vụ rượu nên có giá: 1.271.000 đồng/người.
Những nhà hàng Buffet có giá dưới 500.000 đồng
1. Buffet lẩu nhúng tại Nhà hàng Phố Á - 6 Lê Quý Đôn, quận Phú Nhuận.
Thời gian từ 13h đến 23h hàng ngày, mức giá 192.000 đồng/người không bao gồm nước uống. Thực đơn ở đây được đánh giá là phong phú và tươi ngon với hơn 50 món bao gồm hải sản, thịt, rau, củ... Không gian rộng rãi, thích hợp cho bạn đi với gia đình hay bạn bè.
2. Nhà hàng Dìn Ký - 532 Huỳnh Tấn Phát, quận 7; 142/18 Cộng Hòa, quận Tân Bình.
Đây là một thương hiệu buffet quen thuộc của người Sài Gòn. Ưu điểm của Dìn Ký là nhà hàng rộng rãi, thoáng mát, thức ăn ngon. Tuy nhiên, thực đơn không phong phú nên dễ gây cảm giác chán, bên cạnh đó thái độ của nhân viên phục vụ cũng không được lịch sự. Thời gian từ 11h đến 14h và từ 18h đến 22h. Mức giá ở đây dao động từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/người.
3. Buffet Ngọc Thủy - 214B Nguyễn Trãi, quận 1.
Buffet trưa ở đây được nhiều người ưa thích với thực đơn phong phú. Gần 90 món ăn mang hương vị Việt, Á, Âu tha hồ lựa chọn. Mức giá trung bình từ 180.000 đồng đến 350.000 đồng/người. Thời gian từ 11h đến 14h và từ 17h30 đến 21h30.
hinh-5-390844-1368306100_500x0.jpg
4. Seoul Garden - 208 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; tầng B3 Vincom, 70 - 72 Lê Thánh Tôn, quận 1.
Thực đơn ờ đây phong phú và luôn thay đổi để không gây cảm giác chán cho thực khách. Buffet trưa từ thứ 2 đến thứ 6 (11h - 14h): 259.000 đồng/người, tối từ thứ 2 đến thứ 5 (16h - 22h): 299.000 đồng/người, tối thứ 6, ngày thứ 7, chủ nhật (16h - 22h): 329.000 đồng/người.
5. Sumo BBQ - 210 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận; 300 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình; 120Bis Nguyễn Đình Chiểu, quận 1.
SumoBBQ là chuỗi nhà hàng nướng và lẩu Nhật Bản được biết đến với phong cách phục vụ buffet tại bàn độc đáo. Từ thứ 2 đến thứ 6 (11h - 22h): 239.000 đồng/người. Thứ 7, chủ nhật và ngày lễ: 329.000 đồng/người.
6. Nhà hàng Hoàng Yến - tầng 5 Zen Plaza - 54 - 56 Nguyễn Trãi, quận 1.
Buffet Hoàng Yến là nơi hội tụ của những món ngon đường phố từ Bắc - Trung - Nam với thực đơn buffet phong phú và hấp dẫn. Có hai loại buffet là buffet cơm trưa với 179.000 đồng/người tất cả các ngày trong tuần (11h - 14h). Buffet hải sản tối (18h - 21h30) với 249.000 đồng/người từ thứ 2 đến thứ 6, riêng thứ 7, chủ nhật có mức giá 279.000 đồng.
7. Buffet Ông Mập - 18A1/7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1; 199C Cách mạng Tháng 8, quận 3.
Đây là địa chỉ được nhiều người ưa thích vì thực đơn phong phú, trên 30 món nướng như nhũ dê ướp sa tế, tim bò, thịt nai, thịt bò Úc, thịt heo rừng, cá kèo tươi, sò huyết, sò vặn, sò điệp, bạch tuộc, tôm, bao tử heo, cánh gà, đùi gà, gà xiên que… Mức giá cũng tương đối mềm, 199.000 đồng/người tất cả các ngày trong tuần từ 11h đến 22h.
hinh-2-298561-1368306100_500x0.jpg
8. Buffet hải sản Happy Tôm - 25 Kỳ Đồng, quận 3.
Thời gian từ 16h đến 22h các ngày trong tuần, mức giá 499.000 đồng/người chưa bao gồm thức uống. Đây là địa điểm được thực khách đánh giá cao với thực phẩm chất lượng, phong phú, phong cách phục vụ nhiệt tình, chu đáo.
9. Buffet Avatar - tầng 12A, 36 Bùi Thị Xuân, quận 1.
Là một địa chỉ buffet mới nhưng được nhiều người ưa thích vì thực đơn phong phú với hơn 150 món. Bên cạnh đó, nhà hàng có vị trí rất đẹp để vừa ăn buffet vừa ngắm Sài Gòn từ trên cao. Có hai mức giá cho bạn lựa chọn, từ thứ 2 đến thứ 5 (từ 18h - 22h) với 410.000 đồng/người; thứ 6, thứ 7 và chủ nhật có giá 480.000 đồng/người.
10. Buffet lẩu Nhật tại Gyu Jin - 102 Cống Quỳnh, quận 1; tầng B3 Vincom, 70 - 72 Lê Thánh Tôn, quận 1.
Đây là địa chỉ thích hợp cho những người muốn ăn lẩu Nhật với 6 món lẩu cho bạn lựa chon. Mức giá ở đây cũng tương đối mềm, vào khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng/người từ 10h30 đến 14h. Riêng buổi tối sẽ có giá 250.000 đồng đến 400.000 đồng/người, từ 17h đến 22h, áp dụng cho tất cả các ngày trong tuần.

Bữa tối đủ chất cho 4 người với 90.000 đồng

Nếu bạn vẫn chưa nghĩ ra tối nay cả nhà sẽ ăn gì thì hãy tham khảo thực đơn tối hoàn chỉnh của một bà nội trợ yêu nấu ăn dưới đây nhé.

IMG-0251-2664-1394763656.jpg
Nguyên liệu:
- 300g tôm
- 4 quả trứng
- 4 bìa đậu
- 1 củ su hào, 1 củ cà rốt
- 1 mớ rau cải
- 100g thịt nạc xay
- Hành lá, gừng, gia vị.
1. Tôm rang: 45.000 đồng
IMG-0254-5747-1394763656.jpg
- Tôm rảo (tôm sú hoặc tôm lớp) rửa sạch cắt bỏ râu, đuôi và gai nhọn, ướp với bột nêm/gia vị để cho ngấm.
- Cho dầu ăn vào chảo đun nóng (hơi nhiều dầu một chút để tôm có độ bóng), cho tôm vào đảo cho đến khi tôm chuyển sang màu hồng.
- Cho tiếp bát hỗn hợp gia vị gồm bột canh, đường hòa lẫn với nước lã vào chảo tôm, đun sôi nêm lại gia vị cho vừa, hạ nhỏ lửa cho tôm ngấm gia vị.
- Khi nước đã cạn thì đảo liên tục cho đến khi khô hẳn, tôm chín có màu đỏ au là được.
- Rắc thêm chút hạt tiêu cho thơm.
2. Trứng luộc lòng đào: 9.000 đồng
IMG-0252-7278-1394763656.jpg
- Cho trứng vào nồi nước lạnh đặt lên bếp đun sôi khoảng 7-10 phút
- Gắp trứng ra ngâm ngay vào bát nước lạnh để khỏi bị xát vỏ, bóc trứng được dễ dàng.
3. Su hào, cà rốt xào trứng: 10.000 đồng
IMG-0253-2022-1394763656.jpg
- Su hào cà rốt gọt vỏ, dùng nạo để nạo sợi nhỏ, rắc vào chút muối xóc đều.
- Phi thơm hành tỏi, cho su hào cà rốt vào xào chín tới, cho 1 quả trứng vịt hoặc trứng gà đã khuấy tan vào đảo đều khoảng 3-5 phút
- Nêm lại gia vị cho vừa, rắc hành lá thái nhỏ vào rồi cho ra đĩa ăn nóng.
4. Đậu rán: 12.000 đồng
IMG-0255-8193-1394763657.jpg
- Đậu thái lát mỏng, đun nóng chảo rồi mới cho dầu ăn vào đun cho thật nóng già
- Cho miếng đậu vào rán cho vàng đều hai mặt.
5. Canh cải thịt nạc: 12.000 đồng
- Rau cải mơ thái nhỏ, vò nhẹ rửa sạch cho ra bớt nước xanh.
- Đun sôi nước, nêm nước mắm, bột canh rồi cho thịt nạc vai xay nhỏ đã ướp hành và gia vị vào đun sôi.
- Cho rau vào đun sôi một lúc cho rau chín vừa phải, nêm lại gia vị cho vừa rồi cho một mẩu gừng đập dập vào. Múc ra bát ăn nóng.
6. Dưa bắp cải: 2.000 đồng
Bạn có thể muối sẵn ăn dần hoặc mua ở chợ.

Thực đơn món ngon cả tuần cho bạn (17/3)

Quanh quẩn với những món thịt kho, canh rau đã chán, bạn hãy thử làm đậu bắp xào tôm hay chả gà lạ miệng cho cả nhà xem sao nhé.

* Mời bạn click vào tiêu đề hoặc hình ảnh món ăn để xem cách làm:
Món ăn đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, ngon miệng với đậu bắp hấp giòn, quyện với mỡ, hành xanh, thơm thơm mùi tôm khô.
Món ăn đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, ngon miệng với đậu bắp hấp giòn, quyện với mỡ, hành xanh, thơm thơm mùi tôm khô.
Nguyên liệu:
- 300g đậu bắp
- 100g tôm khô
- Hành lá, tỏi, nước mắm ngon, đường, muối.
Miếng cá săn, om với cà cho vị đậm đà hơi chua nhẹ dùng với cơm nóng rất ngon.
Miếng cá săn, om với cà cho vị đậm đà hơi chua nhẹ dùng với cơm nóng rất ngon.
Nguyên liệu:
- 300g cá (có thể dùng cá nục, cá bạc má hoặc cá thu, loại tươi hoặc loại đã hấp chín)
- 3 quả cà chua chín
- Dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, đường, hạt tiêu, ít tóp mỡ.
Với nhiều màu sắc hấp dẫn và cách nấu đơn giản bạn sẽ có một món canh ngon cho bữa cơm gia đình.
Với nhiều màu sắc hấp dẫn và cách nấu đơn giản bạn sẽ có một món canh ngon cho bữa cơm gia đình.
Nguyên liệu:
- 100g thịt lợn xay
- 2 quả trứng gà, 1 quả cà chua chín
- 500ml nước hầm xương lợn/gà hoặc nước lã
- 1 củ hành tím, nước mắm, bột nêm, hành mùi.
Thỉnh thoảng thay đổi khẩu vị thịt, cá bằng món đậu phụ xào măng, ăn không ngán.
Thỉnh thoảng thay đổi khẩu vị thịt, cá bằng món đậu phụ xào măng, ăn không ngán.
Nguyên liệu:
- 1 - 2 bìa đậu
- 150g măng tươi
- 100g măng khô
- Vài tai nấm hương
- Rau mùi, hành khô, nước mắm, muối, hạt nêm
- Dầu điều
- Hành hoa, rau mùi.
Chả gà dai quyện lẫn với mùi thơm của lá lốt, dùng kèm tương ớt là một gợi ý cho thực đơn bữa cơm chiều của nhà bạn.
Chả gà dai quyện lẫn với mùi thơm của lá lốt, dùng kèm tương ớt là một gợi ý cho thực đơn bữa cơm chiều của nhà bạn.
Nguyên liệu:
- 400g thịt gà xay hoặc có thể dùng thịt đùi lóc lấy thịt
- 6-7 lá lốt
- Vài tai mộc nhĩ (nấm mèo)
- Hành khô, muối, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu, đường cát trắng, bột năng hay bột mỳ.
* Click vào tiêu đề hoặc hình ảnh món ăn để xem cách làm.
Xem tiếp thực đơn món ngon cuối tuần cho bạn

Thực đơn món ngon cuối tuần cho bạn

Trời mùa xuân mưa phùn lành lạnh, làm bát súp và cái kẹo gừng cho ấm bụng là nhất, chẳng cần ra hàng quán cho ướt mưa.

* Mời bạn click vào tiêu đề hoặc hình ảnh món ăn để xem cách làm:
Tuy không đắt bằng cua, nhưng ghẹ vẫn có vị ngon, ngọt không kém là mấy.
Tuy không đắt bằng cua, nhưng ghẹ vẫn có vị ngon, ngọt không kém là mấy.
Nguyên liệu:
- 2 con ghẹ xanh
- 3 hay 4 búp nấm đông cô
- 2 thìa nhỏ bột năng hoặc bột ngô
- 1 lòng trắng trứng gà
- Ít rau mùi (rau ngò), muối, bột nêm và hành tím củ nhỏ.
- Dầu mè.
Món kẹo gừng vừa dễ làm vừa ngon miệng mà lại có công dụng chống lạnh rất thích hợp cho cả nhà những ngày mưa rét.
Món kẹo gừng vừa dễ làm vừa ngon miệng mà lại có công dụng chống lạnh rất thích hợp cho cả nhà những ngày mưa rét.
Nguyên liệu:
- 2 củ gừng non dùng làm kẹo hoặc mứt
- 1 quả dứa (thơm) loại ngọt
- Đường (thích ngọt cho nhiều, trung bình100g đường cho 150g mứt)
- Ít lạc rang nhỏ, giã dập.
Thịt bò mềm, ăn kèm với patê thơm, trứng rán và khoai tây cùng dưa leo, xà lách trộn dầu giấm.
Thịt bò mềm, ăn kèm với patê thơm, trứng rán và khoai tây cùng dưa leo, xà lách trộn dầu giấm.
Nguyên liệu:
- 400g thịt bò mềm còn nguyên miếng lớn
- Khoai tây
- Patê
- Dưa leo, xà lách
- Trứng
- Giấm, muối, tiêu, bột năng, dầu ăn, đường
- Chảo gang chuyên đổ bò bít tết, bạn có thể tìm mua tại siêu thị hay chợ. Có thể dùng chảo gang nhỏ.
Với những nguyên liệu khô bán sẵn, bạn cũng có thể nấu một bát chè sen long nhãn ngọt thanh thơm mát mà không cần chờ mùa nhãn chín.
Với những nguyên liệu khô bán sẵn, bạn cũng có thể nấu một bát chè sen long nhãn ngọt thanh thơm mát mà không cần chờ mùa nhãn chín.
Nguyên liệu:
- 140g hạt sen khô, 75g nhãn khô
- 250g đường phèn hoặc đường cát trắng, 1 lít nước.
* Click vào tiêu đề hoặc hình ảnh món ăn để xem cách làm.

Đăng nhận xét

 
Top